Chỉ cần nhìn vào 3 kỳ phùng địch thủ của người này, sẽ hiểu vì sao ông được ca ngợi là danh tướng độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Quốc.
Trong lịch sử Trung Hoa, võ tướng tài ba quả là nhiều không đếm xuể. Nhưng nhân vật được đánh giá là danh tướng "thiên cổ vô nhị" lại chỉ có duy nhất một người. Đó chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Cổ nhân có câu: "Muốn đánh giá một người có thật sự dũng mãnh hay không, phải xem đối thủ của người đó là ai".
Sở dĩ Hạng Vũ được xem là danh tướng kỳ tài độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Hoa cũng xuất phát từ tầm vóc đối thủ của ông.
Sinh thời, những nhân vật được xem là kỳ phùng địch thủ của Hạng Vũ chỉ có 3 người. Một là Lưu Bang - kẻ sở hữu trong tay hàng loạt võ tướng tài năng như Hàn Tín, Bành Việt, Trương Lương...
Nhân vật thứ hai trong số đó là Vương Ly – cháu nội của một trong tứ đại danh tướng Tần triều Vương Tiễn. Người còn lại là Chương Hàm – danh tướng khét tiếng cuối thời nhà Tần.
Thân thế hai tướng Tần khét tiếng: Đều là kẻ thù "không đội trời chung" với Hạng Vũ
Về thân thế của Chương Hàm, sử sách không ghi chép chi tiết. Nhân vật này chỉ bắt đầu xuất hiện trong Sử Ký Tư Mã Thiên dưới thời Tần Nhị Thế. Theo đó, ông là người chỉ huy quân Tần ra mặt chống lại cuộc tây tiến của quân khởi nghĩa Trần Thắng.
Năm xưa khi Trần Thắng xưng vương, ông có phái thủ hạ là đại tướng Chu Văn đem theo mấy chục vạn binh lính tiến đánh Hàm Dương.
Bấy giờ, Chương Hàm chỉ dẫn một toán nô lệ và người nhà của họ cũng đã đủ sức đánh đuổi Chu Văn và mấy chục vạn đại quân.
Sau đó, vị tướng họ Chương tiếp tục dẹp tan hàng loạt cuộc nổi dậy ở khắp nơi. Trong trận Định Đào, ông còn từng tiêu diệt Hạng Lương – chú của Hạng Vũ.
Những chiến thắng này đủ để cho thấy năng lực phi thường của võ tướng Chương Hàm.
Năm xưa sau khi đã triệt hạ Hạng Lương, Chương Hàm cho rằng quân nước Sở vốn không còn là mối lo ngại. Do đó, ông vượt sông Hoàng Hà, tập hợp cùng 20 vạn đại quân do Vương Ly thống lĩnh để tiến đánh nước Triệu, vây thành Cự Lộc.
Bầu trời võ thuật của thời đại bấy giờ còn có thêm một vị tướng khác là Vương Ly. Vậy nhân vật này có thân thế ra sao?
Vương Ly vốn là cháu nội Vương Tiễn – một trong tứ đại danh tướng thời Chiến Quốc, từng mang binh diệt Sở, giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ.
Năm xưa khi triệt hạ nước Sở, Vương Tiễn từng bức tử đại tướng nước này là Hạng Yên, mà Hạng Yên lại chính là ông nội của Hạng Vũ.
Trong trận Cự Lộc, Vương Ly (cháu nội Vương Tiễn) đã đối đầu với hậu duệ của người bị ông mình bức tử năm xưa. Đó không phải ai khác mà chính là Hạng Vũ.
Có lẽ, cuộc đối đầu của Hạng Vũ với hai kỳ tài võ thuật này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà chính là ý trời.
Trở lại với bối cảnh của trận chiến Cự Lộc, quân của Vương Ly lúc bấy giờ vốn là cánh quân Trương Thành.
Trước kia, vị tướng này vốn là thuộc hạ của Mông Điềm. Sau khi Mông Điềm bị ban chết, cánh quân biên phòng này liền được giao vào tay Vương Ly.
Có thể nói, đội quân trong tay vị tướng họ Vương là một trong những đội ngũ tinh nhuệ nhất của Tần triều lúc bấy giờ.
Chưa dừng lại ở đó, đội ngũ này còn có thêm sự trợ lực từ cánh quân nô lệ từng phá tan phản quân của Chương Hàm.
Như vậy, phe của Vương Ly và Chương Hàm sở hữu tổng cộng 40 vạn đại quân. Chỉ nhìn qua số lượng binh sĩ, lại thêm võ lực của hai bậc danh tướng Chương – Vương khét tiếng cũng đủ để thấy sức mạnh của kẻ địch cường đại tới cỡ nào.
Đối mặt với sự công phá từ đội quân này, Triệu vương buộc phải cầu cứu bên ngoài. Chư hầu các nước đều phái nghĩa quân đến Cự Lộc, nhưng tuyệt nhiên không một ai dám tuyên chiến.
Trần Dư từng cử Trần Trạch dẫn 5000 người đi dò xét thực lực của quân Tần. Kết quả là cánh quân này vừa mới đến nơi đã lập tức bị lính Tần giết nhanh diệt gọn.
Từ lúc đó, liên quân chư hầu chẳng còn ai dám nghênh chiến với quân Tần. Nhưng cục diện này đã bị phá vỡ khi Hạng Vũ xuất hiện.
Công cuộc phục thù - xưng bá của Hạng Vũ: Lấy ít địch nhiều, vận dụng độc kế
Nếu buộc phải dùng một câu để miêu tả lại trận chiến năm ấy giữa Tây Sở Bá Vương và quân Tần, thì chắc chắn đó sẽ là một câu ngắn gọn:
"Trong trận Cự Lộc, Hạng Vũ phong thần!".
Năm ấy, Hạng Vũ có trong tay vẻn vẹn chỉ 5 vạn người. Trong số đó, quân đội chủ lực chính là cánh quân mà hậu thế vẫn thường gọi là "tám ngàn đệ tử Giang Đông".
Vì muốn sớm tới thành Cự Lộc, Hạng Vũ đã sử dụng một kế sách vang danh ngàn đời có tên là "phá phủ trầm châu" (đập nồi dìm thuyền).
Theo đó, sau khi mang binh vượt Hoàng Hà, ông đã lệnh cho binh sĩ dìm hết chiến thuyền, đập vỡ nồi niêu, đốt sạch doanh trại. Quân lính khi đó chỉ được phép đem theo lương khô đủ ăn trong ba ngày.
Hành động kỳ lạ này của Hạng Vũ nhằm mục đích nhấn mạnh với tất cả các chiến sĩ trong tay ông rằng: Trận đánh sắp tới chính là một trận tử chiến không có đường lui, chỉ có thể xông lên giết hết quân địch mới mong sống sót.
Nồi niêu đã vỡ, nhiều binh lính không khỏi hoang mang mà kháo nhau:
"Giờ chúng ta ăn bằng gì đây?"
Hạng Vũ nói:
"Chúng ta giết sạch quân Tần, đến doanh trại Chương Hàm, dùng nồi niêu của bọn chúng để ăn".
Kế sách liều lĩnh ấy, câu nói ngạo nghệ ấy quả xứng là khí chất, tác phong của bậc Bá Vương.
Trong trận tử chiến tại Cự Lộc năm ấy, Hạng Vũ quả thực đã dùng 5 vạn quân trong tay mình để đánh tan 40 vạn đại quân dưới trướng hai võ tướng bậc nhất Tần triều.
Tây Sở Bá Vương đánh 9 trận thắng cả 9. Ông phá tan quân Tần, cắt đứt đường lương thảo, đánh lui Chương Hàm, bắt sống Vương Ly.
Cuối cùng, ông diệt sạch 20 vạn đại quân thuộc nhánh Vương Ly. Chỉ 8 tháng sau, cánh quân của Chương Hàm cũng bị tiêu diệt hoàn toàn.
Năm ấy, Hạng Vũ vừa tròn 25 tuổi. Sau khi đại thắng, ông triệu tập tướng lĩnh của các nước chư hầu. Bấy giờ, toàn bộ số võ tướng ấy đều phải quỳ gối của Tây Sở Bá Vương.
Bị Lưu Bang đánh lén và chiêu phản đòn khiến kẻ địch khiếp vía của Tây Sở Bá Vương
Trong trận chiến dai dẳng với Lưu Bang, danh tiếng của Hạng Vũ càng vang xa nhờ chiến thắng trong trận Bành Thành.
Nhớ lại lúc đó, Lưu Bang nhân cơ hội Hạng Vũ tấn công nước Tề liền lén lút dẫn 56 vạn binh đánh lén Bành Thành.
Khi nghe tin quân Hán đánh vào Bành Thành, Hạng Vũ nói với thuộc hạ:
"Các khanh tứ tiếp tục đánh Tề, ta mang ít người về chặn đánh hắn (chỉ Lưu Bang)".
Sau đó, ông chỉ đem theo 3 vạn kỵ binh trở về Bành Thành, nghênh chiến với đại quân 56 vạn người dưới tay Lưu Bang.
Trong trận đánh Bành Thành năm ấy, Hạng Vũ tiến công từ lúc mặt trời còn chưa mọc, tới lúc giữa trưa thì trận chiến đã kết thúc.
Kết quả là Lưu Bang đại bại, Hạng Vũ giết hơn mười mấy vạn quân Hán.
Tiếp đó, Tây Sở Bá Vương tiếp tục truy đuổi quân Hán từ Bành Thành thẳng tới Linh Bích.
Tàn binh dưới tay Lưu Bang liên tục bị quân sở truy kích đến tận sông Tuy Thủy thuộc phía đông Linh Bách (nay là Linh Bích, Túc Châu, An Huy).
Không chỉ bị tiêu diệt thêm hơn mười vạn người, quân Hán còn buộc phải nhảy sông bỏ trốn, người chết đuối nhiều đến nỗi "nước sông không thể chảy được".
Sau trận Bành Thành, quân Hán gần như bị tiêu diệt sạch. Lưu Bang hốt hoảng dẫn mười mấy người chạy trốn, thậm chí còn bỏ lại cả cha đẻ và vợ để thoát thân.
Cuối cùng, Lưu Bang phải chạy đến tận Huỳnh Dương (Hà Nam) mới thoát khỏi sự truy sát của quân Sở.
Như vậy, Hạng Vũ chỉ dùng 3 vạn binh vẫn có thể đuổi đánh 56 vạn quân, hơn nữa còn truy kích liên tục từ Từ Châu (Giang Tô) tới tận Túc Châu (An Huy) và Huỳnh Dương (Hà Nam).
Mặc dù đã phải dùng đến chiêu trò đánh lén, nhưng Lưu Bang vẫn thất bại ê chề trong trận Bành Thành, thậm chí quân lực còn tiêu tán.
Ngoại trừ trận đánh cuối cùng tại Cai Hạ, cả đời Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ chưa từng thất bại.
Chính ông cũng đã từng tự hào mà nói: Dẫn binh 8 năm, đánh hơn 70 trận, không thua một trận nào!
Bậc kỳ tài võ thuật ấy chỉ thua đúng một lần. Nhưng chiến bại trong lần ấy lại khiến ông lựa chọn kết thúc cuộc đời, để lại cho hậu thế muôn vàng nuối tiếc.
Trong lịch sử Trung Hoa, danh tướng nhiều như sao trên trời. Nhưng chiến tích lẫy lừng của Hạng Vũ vẫn là vì tinh tú sáng chói nhất.
Sinh thời, vị Bá Vương ấy khinh thường việc sử dụng mưu hèn kế bẩn, luôn luôn tiến thẳng mà đánh để giành lấy chiến thắng một cách oanh liệt.
Chiến thắng của ông dừng lại ở việc đánh bại kẻ địch mà còn xuất chúng ở chỗ lấy ít thắng nhiều.
Chỉ tiếc rằng Tây Sở Bá Vương cuối cùng lại phải đối đầu với sự hợp lực của hàng loạt danh tướng như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt, Trương Lương…
Nhiều người vì thương tiếc Tây Sở Bá Vương mà cho rằng kết cục bi thảm của ông vốn là "trời cao đố kỵ anh tài". Có người lại ngậm ngùi than thở, cuộc đời của Hạng Vũ có lẽ chính là sự an bài của số phận…
0 comments:
Post a Comment